Thư viện số cộng đồng thành phố Tam Kỳ xin được giới thiệu cuốn tiểu thuyết “CHIẾN BINH CẦU VỒNG” của tác giả Andrea Hirata. “Chiến binh cầu vồng” là tác phẩm đầu tay của tác giả người Indonesia – dựa trên tuổi thơ có thật của ông.
Sách được xuất bản lần đầu vào năm 2005 và nhận được thành công vang dội. Tính đến nay, “Chiến binh cầu vồng” được dịch ra 26 thứ tiếng, bán được 5 triệu bản trên toàn thế giới. Đây được đánh giá là cuốn sách có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Indonesia.
48 chương của tiểu thuyết lấy bối cảnh tại đảo Belitong – hòn đảo xinh đẹp, giàu có nhất ở Indonesia. Trái ngược với sự giàu có về tài nguyên khoáng sản trên đảo, thực tế, người dân nơi đây lại vô cùng nghèo nàn, bữa được bữa mất và phải sống dưới sự phân biệt đối xử. Sự nghèo đói bủa vây lấy người lớn khiến những đứa trẻ con không được đến trường. Đám trẻ bị mắc kẹt trong những sự lựa chọn, hoặc là làm giúp việc cho bà chủ cửa hàng tạp hóa người Hoa; hoặc ra bờ biển làm cu li;… Giữa hàng ngàn sự lựa chọn đó, việc lựa chọn con chữ lại quá xa xỉ với những đứa trẻ nơi này.
Mở đầu câu chuyện, Andrea Hirata miêu tả một ngày trọng đại: ngày đầu tiên đi học. Nhưng khác hẳn sự nhộn nhịp, háo hức chúng ta thường thấy, thì tại trường tiểu học Muhammadiyah, ngày hôm ấy lại vô cùng nặng nề, ảm đạm. 10 đứa trẻ cùng bố mẹ chúng ngồi đợi trên hàng ghế dài trước sân, yên lặng nhìn thầy hiệu trưởng Harfan và cô Mus. Trái ngược với sự yên lặng bên ngoài, cô Mus liên tục quay sang thầy Harfan, nói nhỏ: “Chín em, mới có chín em, còn thiếu một em nữa”.
Hóa ra, trường tiểu học Muhammadiyah đứng trước nguy cơ bị đóng cửa nếu không có đủ 10 học sinh. Ngay thời khắc quyết định, sự có mặt của Harun – đứa nhóc chậm phát triển – đã cứu lấy tương lai của 9 đứa trẻ còn lại.
Những đứa trẻ nghèo nhất đảo - tô điểm cho tương lai của bản thân tại ngôi trường tiểu học nghèo nhất nơi này. Ngôi trường xập xệ dường như có thể sụp xuống bất cứ khi nào. Vậy mà ngôi trường vẫn kiên trì, trụ vững ngay cả trong giông bão để chống đỡ cho tương lai tươi sáng của 10 đứa trẻ. Cậu bé Lintang với khát khao trở thành nhà Toán học để cha mẹ tự hào; Mahar say mê âm nhạc, nghệ thuật; Sahara muốn đấu tranh cho nữ quyền; Ikal ước mơ làm giáo viên. Còn Akiong sẽ là một thuyền trưởng tài ba trong tương lai...
“Chiến binh cầu vồng” là một câu chuyện đẹp về niềm ham học của 10 đứa trẻ, về tình cảm bạn bè và cả những mối tình đầu ngây thơ, hồn nhiên. Bên cạnh đó, tác giả đã kể rõ hơn về sự nỗ lực của các thầy cô giáo, tận tâm, yêu thương học trò của mình. Và hơn hết là sự cố gắng của cả lớp học khi phải đấu tranh với thế lực giàu có, quyền lực ở trên đảo để giữ lại ngôi trường mình yêu quý.
Khi đọc những chương đầu, chắc hẳn ai cũng sẽ đặt câu hỏi; “Liệu rằng niềm đam mê học tập của đám trẻ có đủ lớn để vượt qua chặng đường 40 cây số đạp xe đạp, rồi đến đầm cá sấu lúc nhúc bọn ăn thịt người, và cả sự hấp dẫn khó cưỡng từ những đồng tiền kiếm được nhờ công việc culi..?” Thế nhưng những chiến binh cầu vồng ấy chưa một lần bỏ cuộc. Dù bằng cách này, hay cách khác, họ vẫn điểm tô những gam màu sặc sỡ lên cầu vồng của chính mình.
Cái kết nghiệt ngã của tiểu thuyết đã để lại trong lòng người đọc nhiều niềm tiếc nuối. Nhưng đó lại là hiện thực tàn nhẫn của cái nghèo. Gánh nặng gia đình đã quật ngã một thiên tài của Indonesia. Ngôi trường tiểu học Muhammadiyah cuối cùng cũng ngã xuống vì một cơn gió lớn,…
Người ta hay bảo “cầu vồng sau mưa”. Trên thực tế tại hòn đảo Belitong, cầu vồng đã không xuất hiện. Những đứa trẻ năm ấy cũng không thoát khỏi hiện thực, vẫn luẩn quẩn trong vòng tròn nghèo đói.
Sau khi đọc xong hơn 400 trang của cuốn sách, nhiều người sẽ nhận ra không phải ai cũng may mắn được cắp sách đến trường mà không bị gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên. Tác giả Andrea Hirata đã dẫn dắt chúng ta đi qua tất cả cung bậc của cảm xúc.
“Chiến binh cầu vồng” hiện đang được trưng bày tại phòng đọc thiếu nhi của Thư viện số cộng đồng thành phố Tam Kỳ với chỉ số xếp giá: 899/HI-A