GIỚI THIỆU SÁCH | CÙNG EM YÊU TIẾNG VIỆT

  • 29/08/2024
  • 184
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

                 "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
                  Mẹ hiền ru những câu xa vời
                  À à ơi, tiếng ru muôn đời.

                 Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
                 Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
                 Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
                 Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi".

Đó là những dòng đầy xúc động tự hào về tiếng mẹ sinh thành trong nhạc phẩm Tình ca” của cố nhạc sĩ, tài năng lớn - Phạm Duy. Dẫu trải qua biết bao biến thiên của thời đại, tiếng Việt vẫn khẳng định được sức sống mãnh liệt của mình. Không những không bị mai một đi mà tiếng Việt còn được phát triển, nâng tầm trở thành ngôn ngữ nghệ thuật như Giáo sư, Tiến sĩ Lý luận Văn học Trần Đình Sử đã nhận xét về cách sử dụng ngôn từ trong tuyệt phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Việt Nam - Nguyễn Du đã phát hiện được các quy luật ẩn kín của tiếng Việt để giải cấu trúc ngôn từ thực dụng và tái cấu trúc những biểu đạt mới, “đập vỡ” cấu trúc ngôn ngữ hàng ngày để tạo thành ngôn ngữ nghệ thuật”.

Vì hiểu được chiều sâu giá trị và sự đắc dụng của ngôn ngữ dân tộc đồng thời khơi gợi tình yêu cũng như góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nhà báo - giảng viên Nguyễn Minh Hải (Bút danh thường dùng: Trúc Giang) đã dụng công tập hợp và sửa chữa một số bài viết của ông đã được đăng trên các báo như: Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh…để cho ra đời đứa con tinh thần “Cùng em yêu tiếng Việt”. Những trăn trở của Nguyễn Minh Hải đối với tiếng Việt được thể hiện cụ thể trong phần “Mấy lời thưa trước”. Tại đây, tác giả tâm tình “Qua công việc làm báo suốt 20 năm, cộng với thời gian đi dạy nhiều lớp đại học, cao đẳng…tôi nhận thấy việc sử dụng tiếng Việt của nhiều học sinh, sinh viên còn chưa tốt. Việc dùng đúng, dùng hay tiếng Việt thực ra không dễ dàng đối với nhiều người. Điều có lẽ cần hơn là một tình yêu thực sự với tiếng Việt thì lại chưa thấy thể hiện rõ…”.

44 bài viết trong ấn phẩm “Cùng em yêu tiếng Việt” là tập hợp 44 bài báo của tác giả Nguyễn Minh Hải, được Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành vào năm 2019, trong khổ 14 x 21 cm với 220 trang viết. Ấn tượng đầu tiên của bạn đọc khi tiếp cận với trang bìa của cuốn sách đó là bức tranh không gian của một lớp học đầy ắp tình yêu thương, ở đó có các em học sinh mặc áo sơ mi trắng đang hăng hái giơ tay phát biểu bài. Trên bục giảng là hình ảnh cô giáo dịu dàng với nụ cười hiền hậu, nền nã trong tà áo dài truyền thống Việt Nam màu hồng nhạt, đang say sưa trao truyền kiến thức về tiếng Việt, ca dao, dân ca cho thế hệ trẻ. Bên trên là tên tác giả bằng chữ màu đen được in trang trọng trên nền chuyển sắc vàng. Và phía trên cùng là nhan đề “Cùng em yêu tiếng Việt” được in màu trắng, cỡ chữ to, nổi bật trên nền bìa màu xanh như tượng trưng cho tâm hồn ngây thơ của các bạn nhỏ hay đó là sự trong sáng của tiếng Việt mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải giữ gìn.



                                                        Trang bìa sách “Cùng em yêu tiếng Việt” - Thiết kế ảnh: Kim Phượng


Lật giở trang sách đầu tiên, tác giả cho người đọc thấy được mục đích, ý nghĩa lớn lao của việc dạy và học tiếng Việt. Tại trang 9 của ấn phẩm với bài viết “Nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc qua cách dạy tiếng Việt!”, bằng sự quan sát tinh tường, sắc bén của một nhà báo cùng với triết lý giáo dục của một người giảng viên đại học, tác giả đã chia sẻ bằng cả tâm huyết của mình “…đối với học sinh, việc dạy tiếng Việt không chỉ để sử dụng tốt tiếng Việt trong giao tiếp, đọc và nghiên cứu tài liệu, viết các văn bản tiếng Việt mà còn để khơi gợi và nâng cao tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc”.

Như chúng ta đã biết, chữ viết là phương tiện diễn đạt không thể thiếu trong văn học. Nhắc đến văn học, nhà văn nổi tiếng thế giới người Nga Macxim Gorki đã từng đúc kết “Văn học là nhân học” như một lời khẳng định mang tính chân lý về tầm quan trọng của văn học và vai trò của những người sáng tạo nên những tác phẩm văn chương cho nhân loại. Ở Việt Nam ta, cố Thủ tướng - Nhà văn hoá lớn Phạm Văn Đồng đã nói một câu rất hay, đại ý như thế này “dạy văn là dạy ngôn ngữ và văn học…cũng đồng thời có thể dạy cho học sinh về các mặt khác…Trong một bài văn, ta có thể dạy cái hay, cái đẹp khác nữa…về tâm hồn, về tư tưởng, về lẽ sống…”. “Hay giảng những tác phẩm viết về biển đảo không chỉ khơi gợi sự tìm hiểu về biển đảo nói riêng và về việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ nói chung…”. Tuy nhiên trên thực tế, việc dạy văn và học văn trong nhà trường còn đôi chỗ chưa phù hợp, còn nặng về hình thức dẫn đến kết quả chưa đạt được như kỳ vọng của xã hội. Để biết được hiện trạng đáng báo động về cách dạy và học văn hiện nay cụ thể như thế nào, xin mời bạn đọc tìm đến bài viết “Dạy văn là dạy làm người” tại trang 62 của cuốn sách.

Lần giở đến những trang tiếp theo, tác giả chỉ ra cho người đọc biết rằng, đối với những từ rất gần gũi để chỉ bộ phận cơ thể người mà chúng ta thường xuyên bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày như “chân”, “tay”, “bụng dạ”, “mặt mũi”, “máu thịt”…tuy đơn giản nhưng ẩn chứa trong nó nhiều tầng nghĩa khác so với nghĩa gốc. Chẳng hạn với từ “tay”, nghĩa ban đầu chỉ bộ phận phía trên của cơ thể người, từ vai đến các ngón, dùng để cầm nắm…nhưng nói câu “Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân” thì “tay” ở đây là biểu tượng của quyền sử dụng, sự định đoạt. Ngoài ra, từ “tay” còn biểu thị nhiều tầng nghĩa khác như chỉ cảnh gặp gỡ vui vẻ trong “tay bắt mặt mừng” hay chỉ quyền quản lý việc chi tiêu của gia đình trong “tay hòm chìa khoá”…Từ đó mới thấy, tiếng Việt mang thật nhiều sắc thái biểu cảm và giàu đẹp đến nhường nào. Vậy để nâng cao vốn từ, hiểu được chiều sâu và sự đa nghĩa của tiếng Việt, điều mà các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã vận dụng rất linh hoạt, tinh tế, ý nhị và cho ra đời nhiều áng văn chương bất hủ cho muôn đời sau, mời bạn đọc tìm đến trang 134 với bài viết “Học về sự giàu đẹp của tiếng Việt qua những từ liên quan đến cơ thể”.

Trong dân gian từ xưa đã lưu truyền câu nói “nét chữ, nết người”. Mặc dù câu nói này vẫn còn nhiều tranh cãi chưa hồi kết nhưng tựu trung lại, ông cha ta muốn nhấn mạnh việc viết chữ đẹp có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng, hình thành nhân cách con người. Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển vượt bậc, “có ý kiến cho rằng trẻ học biết viết chữ xong thì phần nhiều có thể sử dụng máy tính, nên chỉ cần viết chữ “đọc được” chứ không cần mất nhiều thời gian gò chữ đẹp…”. Bằng ngòi bút giản dị, súc tích nhưng lý luận chặt chẽ, tác giả đã dành dung lượng nhiều nhất trong số tất cả các bài viết để phân tích và gợi mở cho độc giả hiểu sâu sắc hơn vấn đề mà đâu đó thường bị xã hội lãng quên và xem nhẹ “…trên thực tế, dù có sử dụng máy tính thường xuyên thì trẻ vẫn phải viết tay cho đến hết bậc phổ thông, thậm chí cả bậc đại học…nét chữ có thể bộc lộ nhiều điều về bản thân người viết và thể hiện mức độ nào đó tình cảm của mình” hay “khuyến khích học sinh luyện tập chữ đẹp, chữ đúng là việc cần thiết để các em ngay từ bé đã có được thói quen làm việc gì cũng ngăn nắp, trật tự, kỹ càng và lâu ngày dễ tạo nên tính cách có quy củ”…Từ lập luận đó, tác giả đi đến khẳng định “rèn luyện chữ viết cũng là một cách rèn luyện nhân cách”. Không những vậy, tác giả còn đưa ra một số đề xuất thiết thực giúp cho học sinh có thể rèn được chữ đẹp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy để biết thêm nhiều cách làm hay trong hành trình rèn chữ đẹp, viết chữ đúng, mời quý độc giả tìm đọc đến trang 162 của ấn phẩm với bài viết “Chữ viết thể hiện tính cách”.

Rồi dường như đồng cảm với tâm tình của người nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy trong lời hát đã nhắc ở trên“tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”, trong tác phẩm “Cùng em yêu tiếng Việt” tác giả - nhà báo Nguyễn Minh Hải cũng dành tình yêu đặc biệt cho phương ngữ đặc trưng xứ miền Tây nơi anh chôn nhau cắt rốn. Và, sự đặc sắc của loại ngôn ngữ đó được tác giả chia sẻ hết sức cụ thể và sinh động bằng miền ký ức về tiếng nói độc đáo của quê hương thông qua bài viết “Tôi yêu tiếng quê tôi…” mời bạn đọc theo dõi từ trang 201 đến trang 204 của cuốn sách.

          Với ấn phẩm nhỏ này, tác giả không có tham vọng giải quyết những vấn đề lớn lao về tiếng Việt, chỉ là những gợi ý dưới góc nhìn của tác giả về những biểu hiện chưa thực sự tích cực trong việc dùng tiếng Việt trong nhà trường. Đó có thể là “Học từ Hán Việt không phải là mất gốc!” (bài viết ở trang số 9); “Giáo viên phải là người truyền tình yêu tiếng Việt” (trang 20); “Cải tiến tiếng Việt một việc không cần thiết” (trang 25); “Phải thực sự chú trọng kỹ năng nói!” (trang 31); “Dạy văn miêu tả phải gắn với thực tế” (trang 71) hay “Những vấn đề cần quan tâm khi viết văn nghị luận” (trang 196) và một số bài viết khác đề cập về việc dạy và học ngữ pháp, từ mượn, từ đồng âm, từ đồng nghĩa - trái nghĩa, cách diễn đạt tiếng Việt, nét đẹp của thành ngữ, tục ngữ Việt Nam…

Từ thời cổ đại đến nay, chữ viết, tiếng nói là phương tiện ngôn ngữ để truyền đạt thông tin, là tín hiệu để mỗi người thể hiện tình cảm, cảm xúc, là của cải tinh thần thiêng liêng và là niềm tự hào của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Tiếng Việt cũng như vậy. Đó là niềm tự hào, là bản sắc, là văn hoá của dân tộc Việt Nam. Suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt hay trong thời bình, tiếng Việt vẫn len lỏi vào từng hơi thở của cuộc sống, trong từng lời ăn tiếng nói hằng ngày, trong từng áng văn thơ, như một ngọn lửa bền bỉ cháy trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Có lúc, tiếng Việt là những lời động viên vang vọng trong những cánh thư từ hậu phương gửi ra tiền tuyến nơi mưa bom bão đạn ác liệt. Có lúc, tiếng Việt là những lời khẳng định đanh thép trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà Người đã đọc tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) vào Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Ngày 02 tháng 9 năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam ta - Kỷ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa Xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” hay như học giả Phạm Quỳnh - Người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa của nước nhà, trong bối cảnh khi ấy đất nước ta bị người Pháp đô hộ cũng có câu: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Cho đến bây giờ, những câu nói ấy vẫn còn giữ nguyên giá trị. Đó như một lời nhắc nhở về trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc chung tay bảo tồn và phát huy chữ viết, tiếng nói của dân tộc Việt Nam đồng thời giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, làm cho tiếng Việt ngày càng giàu đẹp và trường tồn cùng năm tháng. Muốn được như vậy, vai trò tiên phong của các thầy cô giáo trong quá trình định hướng, giáo dục học sinh về ý thức cũng như cách thức giữ gìn và trân trọng vẻ đẹp của tiếng Việt là điều cốt lõi, cực kỳ quan trọng.

Nhân dịp đầu năm học mới, niên khoá 2024 - 2025, Thư viện thành phố Tam Kỳ trân trọng giới thiệu cuốn sách “Cùng em yêu tiếng Việt” đến quý bạn đọc gần xa, đặc biệt xin gửi đến các nhà giáo, các em học sinh để chúng ta cùng đọc, cùng nhau suy ngẫm từ đó hiểu thêm và yêu thêm tiếng Việt. Ấn phẩm này hiện đang trưng bày và phục vụ tại kho sách người lớn – Cơ sở Thư viện số cộng đồng thành phố Tam Kỳ (Địa chỉ: Quảng trường 24/3, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Kính mời quý độc giả, quý thầy cô cùng các em học sinh dành thời gian tìm đọc với chỉ số xếp giá: 495.922/NG-H.

Dưới đây là thông tin thư mục của ấn phẩm:

Cùng em yêu tiếng Việt/ Nguyễn Minh Hải. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 220tr. : ảnh; 21cm

 

------------------------------------------------------