GIỚI THIỆU SÁCH | 65 BÍ KÍP DÀNH CHO MỌI NGƯỜI - ĐỂ VIỆC ĐỌC TRỞ THÀNH LỐI SỐNG

  • 13/01/2025
  • 108
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

        “Tất cả những gì con người làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách” (Thomas Carlyle)

        Quả thật, trong lịch sử nhân loại, sách có vai trò vô cùng quan trọng. Từ khi còn là ký hiệu, chữ viết khắc trên đá, mai rùa, thẻ tre cho đến sách in trên giấy và phát triển thành sách điện tử hiện đại. Tuy nhiên, để hiểu được ý nghĩa và tác dụng của việc đọc sách như thế nào không phải ai cũng lĩnh hội được. Cuốn sách 65 bí kíp đọc sách dành cho mọi người - Để việc đọc trở thành lối sống của tác giả Nguyễn Quốc Vương là một ấn phẩm giúp chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa của sách và những vấn đề liên quan đến việc đọc sách.



                                                                                                                        Ảnh: Kim Phượng


        Ấn phẩm được Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bạn đọc vào năm 2022, trong khổ 14,5 x 20,5 cm với 255 trang viết, bìa mềm, do Quỳnh Rùa vẽ và minh hoạ. Với gam màu trắng - xanh lá cây chủ đạo, trang bìa nổi bật lên với sắc thái hân hoan của nhiều gia đình trong niềm vui đọc sách. Hình ảnh đẹp đó trở nên lan toả rộng khắp, xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, ở mọi lứa tuổi…Bìa sách giống như một tấm poster tuyên truyền cổ động trực quan, tác động mạnh vào thị giác của người đọc. Qua đó, tác giả hi vọng nó sẽ ít nhiều có ích cho những ai quan tâm tới văn hoá đọc và đang nỗ lực hình thành thói quen đọc sách, cũng như giúp đỡ, khuyến khích người khác đến với sách như cách mà anh đã và đang làm bằng tất cả tấm lòng.

        Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại Tân Yên, Bắc Giang, từng du học 8 năm tại Nhật Bản, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm và giáo viên thỉnh giảng tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội). Anh là người luôn quan tâm đến địa hạt văn hoá đọc và giáo dục. Đó cũng là lý do anh viết cuốn sách này sau khi đúc rút ra được từ những suy ngẫm, thu nhận từ sách vở và trải nghiệm của chính bản thân.

        65 bí kíp trong ấn phẩm là tập hợp 65 câu trả lời của tác giả đối với những vấn đề về sách và đọc sách. Không những giải đáp một cách cặn kẽ những câu hỏi được tổng hợp từ phương thức trực tiếp qua những lần tác giả giao lưu, nói chuyện, diễn thuyết ở các cơ quan nhà nước, trường học, công ty, ngoài đường phố, công viên, nhà tù mà còn đưa ra câu trả lời từ những câu hỏi gián tiếp thông qua Facebook và e-mail.

       Với bố cục chặt chẽ, được sắp xếp theo trình tự nhất định, lối viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, phù hợp với nhiều đối tượng người đọc, sách được tác giả khái quát hoá thành 4 chương như sau:

  •         Chương 1: Vai trò, ý nghĩa và tác dụng của việc đọc sách
  •         Chương 2: Đọc sách như thế nào?
  •         Chương 3: Khuyến đọc cho trẻ
  •         Chương 4: Khuyến đọc cho mọi người

       Cuốn sách “65 bí kíp đọc sách dành cho mọi người - Để việc đọc trở thành lối sống”đã làm sáng tỏ những câu hỏi được nhiều người quan tâm. Một số câu hỏi trong ấn phẩm đó là: “Lợi và hại của việc đọc sách là gì?”, “Có thể kiếm tiền nhờ đọc sách không?”, “Có nên tin vào những gì được viết trong sách?”, “Thanh thiếu niên có nên đọc sách “kĩ năng” (self-help) không?”, “Có nên đọc sách bán chạy không?”, “Có nên nghe sách nói không?”, “Đọc tin tức trên mạng có phải là đọc sách không?”, “Đọc sách trên thiết bị điện tử khác gì đọc sách giấy?”, “Có phải sách in với số lượng ít là sách không có giá trị?”, “Làm thế nào để chọn được sách tốt, sách hay?”, “Khi đọc sách có nhất thiết phải đọc lần lượt từng trang theo thứ tự từ đầu tới cuối không?”, “Khi trẻ chưa biết chữ thì có thể đọc sách không?”, “Khi nào thì có thể bắt đầu đọc sách cho trẻ?”, “Nên cho trẻ đọc những loại sách nào?”, “Truyện cổ tích có còn hợp với trẻ em ngày nay không?”, “Làm thế nào để trẻ đọc sách chữ nhiều hơn?”, “Đọc sách hỗ trợ cho việc nói như thế nào?”, “Bắt đầu đọc sách khi đã trưởng thành có phải là quá muộn?”, “Mua nhiều sách nhưng chỉ đọc một phần trong số đó có phải là lãng phí không? Nên xử lí thế nào với những cuốn sách cũ đã đọc xong?”, “Làm cách nào để huy động kinh phí cho các hoạt động như lập thư viện, tủ sách, khuyến đọc?”…

        Lần giở vào phần chính văn tại Chương 1, đầu tiên bạn đọc sẽ được tác giả giải đáp cho câu hỏi “văn hoá đọc là gì?”. Hiện nay, có rất nhiều khái niệm về “văn hoá đọc”. Trong số đó, tác giả khuyến khích người Việt “hoàn toàn có thể sử dụng định nghĩa về “văn hoá đọc” của người Nhật được thể hiện trong Điều 2 Luật chấn hưng văn hoá đọc” vì cho rằng “khi hiểu văn hoá đọc như vậy, ta sẽ thấy nó bao trùm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, hoạt động cơ bản…”.  Vậy “văn hoá đọc là gì?”, mời độc giả tìm đọc từ trang 10 đến trang 14 của cuốn sách để hiểu rõ hơn.

        Hay tại Chương 2, tác giả chia sẻ “trong những dịp giao lưu, trò chuyện với bạn đọc là thanh thiếu niên, tôi thường tìm hiểu xem họ đọc gì. Sau nhiều lần tiến hành điều tra, tôi nhận ra sách “self-help”rất được bạn đọc từ 13 - 25 tuổi ưa chuộng…”, “hiện nay sách “self-help” vẫn đang làm mưa làm gió trên thế giới cũng như Việt Nam và đang tồn tại song song hai thái độ tiếp cận dòng sách này”… Vậy nguồn gốc của sách “self-help” bắt đầu từ đâu? Bản chất của dòng sách này là như thế nào? Hai thái độ tiếp cận đó ra sao? Mời độc giả tìm đọc từ trang 62 đến trang 66 của cuốn sách.

        “65 bí kíp đọc sách dành cho mọi người - Để việc đọc trở thành lối sống” không chỉ dừng lại ở việc đọc sách của đối tượng vị thành niên, người trưởng thành mà còn là tâm huyết của tác giả về khát vọng hình thành thói quen đọc sách cho lứa tuổi thiếu nhi. Trong Chương 3, chúng ta sẽ bắt gặp một vấn đề “trong khoảng 10 - 15 năm trở lại đây, dường như đang có một làn sóng “xét lại” truyện cổ tích. Người ta chỉ trích những chi tiết bạo lực như chuỗi hành vi tàn bạo của mụ dì ghẻ nhằm vào Tấm và màn trả thù thậm chí còn tàn nhẫn hơn của cô Tấm…”. Tại sao trước kia người lớn, trẻ con mặc nhiên chấp nhận các truyện cổ tích đó và đọc năm này qua tháng khác, mà giờ đây chúng lại trở thành “vấn đề”? Muốn có lời giải đáp cho thắc mắc này, mời bạn đọc tìm đến trang 176 đến 179 trong câu hỏi số 45 – Truyện cổ tích có còn thích hợp với trẻ em ngày nay không?

        Tác giả khuyến khích mọi người nên đọc sách từ lứa tuổi thiếu nhi nhưng tại Chương 4 - Chương cuối cùng của cuốn sách, Nguyễn Quốc Vương lại khẳng định “…với đọc sách, không bao giờ là quá muộn. Việc bắt đầu đọc sách một cách có ý thức và nghiêm túc sau khi đã trưởng thành cũng có một số lợi thế nhất định…”. Liệu có tồn tại mâu thuẫn về độ tuổi đọc sách ở đây hay không? Lợi thế đó là gì? Mời độc giả tìm đọc từ trang 227 đến 230 của cuốn sách.

        Với 65 câu hỏi - trả lời được tích luỹ qua nhiều năm, “65 bí kíp đọc sách dành cho mọi người - Để việc đọc trở thành lối sống” của Nguyễn Quốc Vương không đơn thuần là tập hợp những kinh nghiệm khuyến đọc. Đây còn là một cẩm nang tra cứu, là bức tranh đa chiều về sách cũng như hiện trạng văn hoá đọc tại Việt Nam. Tác giả khéo léo đan cài, so sánh và có góc nhìn tham chiếu với văn hoá đọc ở Nhật Bản – Một trong những quốc gia có nền giáo dục và văn hoá đọc phát triển trên thế giới.

        Những dòng chia sẻ trong tác phẩm không chỉ giải đáp những băn khoăn của độc giả mà còn chứa đựng lời nhắn nhủ của tác giả về tình yêu và niềm tin mãnh liệt đối với sách. Hình thành, phát triển thói quen và đọc sách có trí tuệ - Đó là chìa khoá để khai mở tri thức, tâm hồn, xây dựng một nhân cách tốt đẹp trên hành trình dẫn đến thành công trong tương lai.

       Thư viện thành phố Tam Kỳ trân trọng giới thiệu cuốn sách 65 bí kíp đọc sách dành cho mọi người - Để việc đọc trở thành lối sống đến quý bạn đọc gần xa, đặc biệt xin gửi đến các nhà giáo, các em học sinh để chúng ta cùng đọc, cùng nhau suy ngẫm từ đó hiểu thêm và yêu thêm sách. Ấn phẩm này hiện đang trưng bày và phục vụ tại kho sách người lớn – Cơ sở Thư viện số cộng đồng thành phố Tam Kỳ (Địa chỉ: Quảng trường 24/3, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Kính mời quý độc giả, quý thầy cô cùng các em học sinh dành thời gian tìm đọc với chỉ số xếp giá: 028.9/NG-V.


 Nguồn:https://vhtttamky.quangnam.vn/news/sach-hay/65-bi-kip-doc-sach-danh-cho-moi-nguoi-de-viec-doc-tro-thanh-loi-song-9602.html